Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp quay lại khu di tích lịch sử độc đáo này của quân dân Việt Nam. Hồi đó lúc còn học cấp 2 trường Nguyễn Du, hình như chuyến đi dã ngoại đầu tiên chính là về thăm địa đạo Củ Chi với những con đường hầm ngoằn nghèo sâu dưới lòng đất. Thế là các chiến sĩ đã sinh sống và chiến đấu suốt hơn 20 năm trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt như vậy. Thôi thì quá khứ đã qua, đã đến lúc chúng ta nhìn vào hiện tại của khu đất thép thành đồng năm nào.
Vừa bước xuống xe, tôi ngạc nhiên khi không thấy bất kỳ một biển hiệu nào có dòng chữ địa đạo Củ chi cả. Bãi đậu xe rộng chỉ có mỗi tấm bảng sơ đồ hầm, nhưng tuyệt nhiên không hề có hai chữ “địa đạo”. Nhìn kỹ mới thấy hóa ra đi vào bên trong mua vé mới một cái băng rôn sơ sài chào mừng ?! Có lẽ người quản lý cho rằng khách du lịch đến đây thì đã rõ mình đi đâu nên không quan tâm lắm đến một tấm biển hiệu chào mừng chỉn chu?
Sao bao nhiêu năm trở lại, hình như nơi đây không thay đổi là mấy. Điều đáng mừng là người ta vẫn giữ được vẻ hoang sơ nguyên thủy của khu rừng với các hệ thống hầm ngầm và chòi lá. Khách nước ngoài đặc biệt luôn tỏ ra thích thú khi khám phá những đường hầm tối tăm, chật chội với một cảm giác thật khác lạ. Theo mô tả của anh bạn người Úc, cái cảm giác khi chui xuống hầm là “chật chội mà an toàn”, mặc dù công tác bảo quản thế nào mà nhiều nơi bốc mùi rất khó ngửi.
Qua khỏi khu rừng là đến khu vực gian hàng lưu niệm và quầy nước uống. Điều đáng nói là sát bên cạnh người ta bố trí một khu vực bắn súng trường tự do. Tiếng súng nổ chói tai đã không ít lần làm giật mình tất cả khách tham quan khi họ đang tìm cách nghỉ ngơi thư giãn, tìm kiếm những món quà cho người thân. Tất cả mọi người đều tỏ vẻ khó chịu khi vừ a bước vào là phải giật mình với những tiếng súng chát chúa như thế.
Tại sao họ không xây khu bắn súng ở một khu vực riêng? Chuyện giật mình đã đành. Tôi tự hỏi những tiếng súng ấy có làm khơi dậy một quá khứ đau thương? Trong số khách tham quan chắc chắn luôn hiện diện những cựu chiến binh của cả Mỹ và Việt Nam. Tiếng súng ấy có thể là thú vui của người này nhưng lại là nỗi ám ảnh của người khác. Âm thanh của năm phát súng tiểu khiển bây giờ chẳng khác gì tiếng nổ năm xưa đã cướp đi sinh mạng của những người đồng đội, những người thân mà có lẽ, người sót lại vẫn còn mãi ám ảnh sau chiến tranh. Liệu trò bắn súng này có cần thiết? Ý đồ khơi gợi không khí thời chiến của những người quản lý có lẽ đã tác dụng ngược?
Có lẽ cuộc tham quan địa đạo Củ Chi, đặc biệt với những cựu chiến binh Mỹ hoặc con cháu của họ, sẽ trọn vẹn hơn nếu nhà chức trách xây dựng được một nhà trưng bày ở ngay lối ra, một nhà trưng bày với những hình ảnh thời nay, những cái bắt tay trong hòa bình giữa hai đất nước một thời thù địch. Quá khứ dù gì cũng đã qua, họ đã thấy hồi xưa “mình diệt Mỹ thế nào với bẫy chông tự tạo, những con đường hầm lắt léo thoắt ẩn thoắt hiện” thì mình cũng nên có những hình ảnh hòa bình hợp tác để phần nào xoa dịu cái nỗi đau, cái xót xa cũng những kẻ đã bại trận nơi đây. Hay là tôi đã nghiêm trọng hóa vấn đề?