Trả lời phỏng vấn về du học với CLB Du học sinh OVS – Hè 2008


Đối với các bạn học sinh – sinh viên chuẩn bị lên đường du học ở nước ngoài, sự hồi hộp và phấn khích gần như luôn là một phần hành trang không thể thiếu. Song, trong rất nhiều trường hợp thì gắn liền với sự hồi hộp và phấn khích này thường là những nỗi lo lắng, băn khoăn, thậm chí bấn lọan về một hoặc một vài vấn đề nhất định. Những “du học sinh tương lai gần” lúc ấy thường tự hỏi mình rằng : mình sẽ làm điều đó như thế nào ? Để phần nào giúp các bạn trả lời được câu hỏi này, Câu lạc bộ Du học sinh OVS chúng tôi mời các bạn xem qua câu trả lời cho một câu hỏi khác : người khác đã làm điều đó như thế nào ?

Bài viết sau đây được thực hiện dựa trên các thông tin mà Câu lạc bộ Du học sinh OVS nhận được trực tiếp từ anh Trần Quốc Khánh – một cựu sinh viên Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh ngành Quản lí công nghiệp, hiện đang là sinh viên cao học năm cuối của trường La Salle University ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania.

OVS : Xin anh vui lòng giới thiệu một chút về bản thân ?
Anh Trần Quốc Khánh : Trước đây anh học cấp 3 ở trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, sau đó anh thi vào Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh ngành quản lí công nghiệp. Khi đang là sinh viên năm 2, anh tình cờ biết đến chương trình trao đổi văn hóa của CCI (Center for Cultural Interchange) mà ILA là đại diện ở Việt Nam. Anh tham gia thi và trúng tuyển, được hỗ trợ thủ tục sang Mỹ học một năm ở trường Cao đẳng Cộng đồng (Community College). Hòan tất một năm ở đây, anh bắt đầu vào học ở Đại học Southern ILLINOIS University với chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp anh tiếp tục học lên cao học và hiện đang là sinh viên cao học MBA năm cuối của trường La Salle University, bang Pennsylvania. Tranh thủ những tháng nghỉ hè này, anh về nước và đang thực tập tại JP Morgan để tìm kiếm thêm những kinh nghiệm liên quan tới nghề nghiệp của mình. (JP Morgan là một tập đòan tài chính lớn của Mỹ, mang tầm vóc quốc tế – OVS)

OVS : Anh có thể vui lòng cho biết lý do tại sao anh có ý định sang Mỹ du học khi đã hòan tất 2 năm đại học ở Việt Nam ?

Anh Trần Quốc Khánh : Sau 2 năm học đại học ở Việt Nam, anh cảm thấy và tin tưởng rằng mình vẫn còn có thể học được nhiều hơn như thế này. Anh cảm thấy tư duy của mình lúc đó vẫn chưa được “mở” như ý nguyện. Đúng lúc đó, ILA lại có một cuộc thi để chọn ra một số bạn học sinh – sinh viên Việt Nam đưa sang Mỹ tham gia chương trình trao đổi văn hóa của CCI. Vậy là anh quyết định tham gia thi để có cơ hội đến Mỹ học tập. Hơn nữa, cũng như nhiều bạn du học sinh khác, anh muốn ra nước ngoài học tập để rèn luyện tiếng Anh, mở mang tư duy và chuẩn bị thật tốt cho sự nghiệp sau này. Ra nước ngoài học tập còn là một khỏang thời gian quý báu mà anh có thể học cách sống tự lập, vững vàng. Đối với anh, cách sống tự lập thật sự là một thành quả rất lớn mà anh đã thu được sau khỏang thời gian du học tại Mỹ.

OVS : Anh có thể chia sẻ thông tin thêm cho các bạn học sinh – sinh viên được biết về chương trình trao đổi văn hóa CCI ?

Anh Trần Quốc Khánh : Hiện nay có rất nhiều con đường để các bạn học sinh – sinh viên Việt Nam biến ước mơ du học của mình trở thành hiện thực. Và theo anh, chương trình trao đổi văn hóa CCI cũng là một trong những con đường đó. Tham gia vào CCI, các bạn học sinh – sinh viên chúng ta sẽ có hai thuận lợi lớn. Thứ nhất, đó là chúng ta tiết kiệm được một số tiền không nhỏ cho một năm sinh sống và học tập tại Mỹ. Thứ hai, đó là khả năng xin được visa sang Mỹ sẽ rất cao khi mà chúng ta có trong tay tờ giấy chứng nhận mình là một trong số các cá nhân được mời sang Mỹ trong chương trình trao đổi văn hóa của CCI. Theo anh, tùy vào khả năng của mỗi người mà chúng ta sẽ chọn các con đường khác nhau để ra biển lớn. Và, một khi đã ra “biển lớn” , anh nghĩ tất cả mọi người đều ở cùng một vạch xuất phát như nhau.

OVS : Như vậy, anh đã gặp những khó khăn gì khi đang ở “vạch xuất phát” ?

Anh Trần Quốc Khánh : Anh tin rằng các bạn học sinh – sinh viên nào có ý định du học cũng đã có tìm hiểu qua về các khó khăn trong đời sống cũng như việc học của một du học sinh. Anh chỉ xin chia sẻ thêm một chút kinh nghiệm cá nhân để các bạn tham khảo. Khó khăn lớn nhất khi bước vào một môi trường sống và học tập mới chính là vấn đề giao tiếp. Anh chân thành khuyên các bạn học sinh – sinh viên nào có ý định du học rằng : hãy cố gắng trau dồi tiếng Anh thật tốt, đặc biệt là hai kỹ năng nghe và nói. Bởi vì nếu chúng ta không nghe được thầy cô hoặc bạn bè xung quanh đang diễn đạt điều gì, mà đồng thời chúng ta cũng không biết cách để hỏi lại cho rõ, thì coi như thất bại đã là một điều gần như chắc chắn. Bản thân anh cũng đã vấp phải thất bại này trong 3 tháng đầu tiên, và sau 6 tháng thì anh mới bắt đầu có thể cảm thấy thỏai mái hòan tòan. Đối với những ai có trình độ Anh Ngữ tốt thì sẽ tiết kiệm đượcc khoảng thời gian này và hòa nhập nhanh hơn.

OVS : Trong trường hợp chúng ta chưa được chuẩn bị thật tốt về khả năng ngoại ngữ khi còn ở Việt Nam, thì anh có thể chia sẻ với các bạn HS-SV những giải pháp cụ thể nào để đối phó với rào cản ngôn ngữ ?

Anh Trần Quốc Khánh : Nếu như vậy, có thể vào thời điểm đầu các bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu khi ra nước ngoài. Tuy nhiên, anh có một số đề nghị như sau :

+ Chịu khó xem tivi và sách báo. Có thể thời gian đầu mình chưa nắm bắt đựơc nhiều, nhưng kiên nhẫn thì mọi thứ sẽ ổn. Xem tivi theo anh là một cách học ngọai ngữ rất tốt, nhất là về các cách diễn đạt thông dụng hằng ngày.

+ Mạnh dạn kết bạn với những người xung quanh. Không nên thụ động co cụm vào vỏ ốc của mình, mà hãy kết bạn và trò chuyện với nhau mỗi ngày. Điều này vừa giúp chúng ta làm quen với ngôn ngữ, lại vừa giúp chúng ta làm quen với môi trường, con người và cách sống xung quanh.

+ Đối với việc học, trong thời gian mà khả năng ngọai ngữ của anh chưa tốt lắm, anh cũng đã phải cố gắng thức khuya và đọc lại sách vở, thậm chí có thể là phải đọc nhiều gấp đôi so với những bạn nào giỏi họăc xuất sắc về Tiếng Anh.

+ Ghi âm lời giảng, chép những file tóm tắt nội dung, và xin cuộc hẹn với thầy cô để được giảng thêm cũng là một vài cách làm hiệu quả để chúng ta xoay sở trong khi chưa hòan thiện về khả năng ngọai ngữ.

Dù sao đi nữa, anh tin rằng vấn đề hòa nhập vào môi trường mới của các bạn du học sinh chỉ là vấn đề nhanh hay chậm, chứ rất hiếm trường hợp nào là không thể hòa nhập được.

OVS : Như vậy, trong quá trình anh học tập tại Mỹ, anh đã gặt hái được những thành quả nào ? Anh có cho rằng mình đã quyết định đúng khi đến Mỹ để học đại học ?

Anh Trần Quốc Khánh : Anh cho rằng mình đã quyết định đúng. So sánh với những cá nhân khác, anh không chắc sự tiến bộ của mình có là “lớn lao” hay không. Nhưng, so sánh với chính bản thân anh, trước và sau khi đi du học, anh cho rằng mình đã tiến bộ rất nhiều. Những mục tiêu anh đặt ra trước khi đi du học như : rèn luyện tiếng Anh, mở mang tư duy, học cách sống độc lập và chuẩn bị thật tốt cho sự nghiệp sau này,… đến nay anh đã đạt được gần như là đầy đủ. Về mặt học thuật, thì có lẽ thành quả lớn nhất của anh trong những thời gian tại Mỹ đó là dành được học bổng giảm một nửa học phí khi chuyển tiếp từ Cao đẳng Cộng đồng lên Đại học Southern ILLINOIS University Carbondale (www.siuc.edu)

Trước khi đến Mỹ, thật sự anh đã được nghe rất nhiều phản hồi tích cực về chất lượng giáo dục và đào tạo của nước này. Và sau khi chính mình trải nghiệm, thì anh hòan toàn đồng ý với những phản hồi đó. Đơn cử như việc làm các bài tập nhóm (group project) của sinh viên ở Mỹ khác rất nhiều so với ở Việt Nam. Ở Việt Nam, tình trạng một hoặc hai người tích cực trong nhóm “nai lưng” ra làm, trong khi hai, ba người thụ động còn lại trong nhóm cứ việc “ngồi mát mà vẫn ăn bát vàng” không phải là hiếm hoi, cá biệt. Nhưng tình trạng đó rất ít xảy ra ở Mỹ, ít nhất là ở nơi anh học. Trong quá trình học tập, sự công bằng và quyền lợi cá nhân luôn luôn được mọi người tôn trọng.

OVS : Được rèn luyện trong môi trường như vậy, tại sao anh lại quyết định sau này sẽ trở về Việt Nam để làm việc ?

Anh Trần Quốc Khánh : Cũng như nhiều người hay nhận xét, anh cũng thấy rằng có đi xa mới thấy hết được cái đẹp, cái hay ở quê nhà. Là một bộ phận của văn hóa Á Đông, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa rất trọng tình cảm. Tuy rằng, chính điều đó đã phần nào cản trở sự phát triển vượt bậc của từng cá nhân đơn lẻ, nhưng anh vẫn cảm thấy yêu thích và gắn bó vô cùng với những truyền thống và tình cảm tốt đẹp đó. Anh có ý định trở về làm việc ở Việt Nam cũng là vì vậy. Suy cho cùng, anh cho rằng chỉ khi nào mình cảm thấy thỏai mái với môi trường và cách sống xung quanh thì mình mới có thể làm việc và phát triển đi lên được. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam chúng ta hiện đang khó khăn nhưng trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ anh tin rằng hiện nay Việt Nam có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh tế không chỉ cho riêng anh, mà còn cho rất nhiều những bạn trẻ nào có năng lực và đam mê ở các ngành nghề khác.

OVS : Kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, anh có điều gì tâm đắc muốn chia sẻ với các bạn học sinh – sinh viên Việt Nam ?
Anh Trần Quốc Khánh :

Đối với các bạn học sinh – sinh viên Việt Nam có ý định đi du học, anh muốn khuyên các bạn rằng : hãy rèn luyện tiếng Anh của mình thật tốt, điều đó thật sự sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều về sau này. Đồng thời, đừng bao giờ để khả năng tiếng Việt của mình bị mai một vì bất cứ lý do gì. Bởi vì, nếu chúng ta còn gặp phải nhiều khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng từ tiếng Anh sang tiếng Việt, họăc ngược lại, thì thật sự sẽ rất khó để chúng ta có thể thành công khi về làm việc ở Việt Nam, dù là làm việc cho công ty nước ngoài.

Đối với các bạn học sinh – sinh viên nói chung, anh muốn chia sẻ một điều rằng : trong quá trình học tập, hãy chịu khó đọc sách, báo và xem tin tức,… để liên tục cập nhật về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Đây là một kinh nghiệm quý giá và hết sức cần thiết mà chỉ khi lên đến năm 3 đại học thì bản thân anh mới nhận ra.

Cuối cùng, anh muốn nói rằng : Chúng ta cần xác định đích đến của mình, thì mới có thể lên đường mà đến đích. Có thể các bạn chưa biết được mình thích học gì và làm gì, thì ít ra, cũng hãy nên tìm hiểu xem mình không hợp với điều gì. Chỉ khi làm một công việc phù hợp với năng lực và cảm thấy hứng thú thì mới có thể thành công được.. Và, dù là chúng ta học ở Việt Nam, hay bất kỳ một nứơc nào khác, thì hãy nhớ rõ rằng, mục đích cuối cùng của học tập suy cho cùng cũng là để bản thân mình có khả năng làm việc thật tốt. Anh nghĩ, sự học,dù ở dạng nào đi nữa cũng chỉ là để đạt được mục đích này mà thôi. Anh chúc tất cả các bạn học sinh – sinh viên Việt Nam sẽ gặp nhiều may mắn, và thành công trên con đường của mỗi người.

OVS : Chân thành cảm ơn anh Trần Quốc Khánh đã nhiệt tình tham gia trao đổi, chia sẻ với Câu lạc bộ Du học sinh OVS chúng tôi. Chúc anh gặt hái được nhiều thành quả theo đúng ý nguyện của mình.

10 thoughts on “Trả lời phỏng vấn về du học với CLB Du học sinh OVS – Hè 2008

  1. Ủa anh ơi, cái chương trình CCI của Ila là tổ chức hằng năm hay sao, mà nó tuyển theo hình thức nào, phỏng vấn hay làm bài test vậy???
    Em cũng đang tìm thông tin học bổng cao học nhưng lại không biết tìm ở đâu, yêu cầu toefl hay ielts như thế nào?

    Like

  2. Hi Van,

    Rất tiếc chương trình CCI của ILA hiện nay không còn nữa. Năm anh đi (2003) cũng là năm cuối cùng của chương trình. Học bổng cao học có thể được tìm ở các diễn đàn của tổ chức du học sinh hoặc vào thẳng trang web của trường. Anh sẽ thu thập thêm thông tin chi tiết rồi post lại trên đây để em tham khảo.
    Yêu cầu TOEFL cao hơn đai học, khoảng 580 đến 600 (thang điểm thi trên giấy).

    Em định học ngành gì?

    Like

    1. Không biết ĐH em học về International Finance thì lên cao học chọn Business Administration dc ko a? Nếu không thì chắc năm sau em phải đăng kí học văn bằng 2 ngành này nữa

      Like

  3. Tất nhiên là được chứ em. Cao học ngành BA thì bằng của em sẽ là MBA. Trên nguyên tắc sinh viên tốt nghiệp tất cả các ngành đều có thể nộp đơn học MBA. Chỉ có điều những sinh viên ngành kỹ thuật hoặc những ngành không liên quan đến business khi học MBA sẽ phải học lại những môn business căn bản. Riêng đối với sinh viên ngành tài chính, marketing, accounting.. thì thuận lợi hơn vì đã nắm được một số khái niệm kinh tế. Em không cần phải học lại văn bằng 2 làm gì cho mất thời gian. International Finance thì có thể đăng ký học MBA hoặc Master of Finance. MBA thì thiên về quản trị kinh doanh tổng quát, còn Master of Finance sẽ đi sâu về Finance hơn. Để sau này anh sẽ post lại tóm tắt một số vấn đề liên quan đến bằng cấp để em rõ hơn nhé

    Like

  4. À e quên hỏi cái này, giả sử mình đang học giữa chừng Đh mà du học thì fai học lại từ đầu hả a, hay là dc học tiếp hay là còn tùy trường ???

    Like

  5. Nếu đang học giữa chừng mà đi du học thì phải nộp các môn em đã học sang trường mới. Thông thường những môn đại cương sẽ được tính, sang bên đó em không phải học lại những môn đó. Việc này cũng tùy trường nữa, có trường nhận ít, nhận nhiều, nhưng không bao giờ nhận hết 😦 Sang đó bắt buộc em phải học lại một số môn. Nếu em muốn tốt nghiệp sốm thì phải đăng ký học nhiều môn một học kỳ.

    Like

  6. Hi Chu Khanh!
    I have thought about studying abroad so much. But the problem is that my family don’t have enough money for this. So can you tell me some ways that I can study abroad but it would cost me too much and also study effectively. I am now 16 and in grade 10th now. Your advises would be great!!!

    Like

    1. Hi Tuan Le,

      Sorry I miss your question until now!! Well, there are many many ways to get a scholarship. You must be excellent at English and must take time to research. Check out vietabroader forum for more discussion on scholarship topics. I really don’t have much experience in this. When you are in the States, there are tons of opportunities to earn some money while studying. So, the bottom line is, you dont have to have a lot of money for making your dream of study overseas. But you need to work extra hard to achieve your goal.

      I will collect some articles regarding scholarship and post them on here for your convenience.

      Good luck Tuan

      Like

  7. Xin chào anh Khánh!

    Em đã theo dõi kênh FBNC ngay từ những ngày đầu phát sóng. Và đương nhiên là rất hâm mộ (bất kỳ) show nào anh Khánh dẫn, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Khi biết đến trang blog này, e lại càng khâm phục sự nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm du học với các bạn trẻ.

    Cho tới lần cuối đọc trang này, e vẫn không có ý định để lại response. Nhưng sáng nay thấy reply mới nhất của a có câu “you dont have to have a lot of money for making your dream of study overseas”. I keep thinking if I’m seeing a diplomatic reply. Em không có ẩn ý gì nhưng em luôn nghĩ vấn đề tài chính là trở ngại lớn nhất cho rất nhiều sinh viên Vietnam trong việc khám phá thế giới. Sinh viên có thể tìm được học bổng, thậm chí lên đến 100%, nhưng vẫn rất vất vả để tồn tại và học thành tài nơi xứ người nếu thực sự SV này “một mình một ngựa”, không một sự hậu thuẫn nào từ mọi phía. Kết quả có thể là việc học tập bị ảnh hưởng rất nhiều.

    Em có một nghi vấn, muốn xin lời khuyên từ anh là người đi trước. Chuyện là em có dự định đi du học Thạc sĩ (e mới tốt nghiệp đại học) tại Canada. Quyết định này e cho là “tay không bắt cướp” vì toàn bộ chi phí sẽ từ nguồn vay ngân hàng. Sau khi sang đó, e sẽ vừa học vừa làm để trang trải toàn bộ. Bởi e nghĩ việc học ThS không dành nhiều thời gian tại giảng đường, mà chủ yếu là hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình. Nghiên cứu sinh ThS có thể đi làm buổi sáng và vào thư viện tự học vào buổi tối. Với kinh nghiệm và quan sát thực tiễn, a có thấy điểm nào chưa chính xác trong suy nghĩ của e về cuộc sống của SV du học không ạh? Và a đã biết một trường hợp SV du học nào cuối cùng không thể chi trả cái student loan của mình hay chưa ạ? A nghĩ một trường hợp đi du học kiểu liều lĩnh như vầy có thể thành công (ở đây nghĩa là hoàn thành chương trình, ko đến nỗi nợ nần chồng chất ngày về ^_^)?

    Khi đến các dịch vụ tư vấn du học, những điểm trên gần như không thành vấn đề với họ, điều nào đối với họ cũng solvable. E không biết nên tin bao nhiêu phần trăm. A Khánh thông cảm, e là nữ và khá lo xa. Nếu a Khánh không ngại, a cứ cho e lời khuyên thẳng thắn, e sẵn sàng tiếp thu tất cả.

    Cảm ơn a Khánh trước rất nhiều. Chúc a luôn gặp nhiều may mắn và thành công trong mọi dự án của mình.

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s