Lướt qua mục Views by country của blog thì khá bất ngờ khi thấy xuất hiện những nơi như Japan, Korea, Norway…và thậm chí South Africa!!! Dựa trên các comments tôi đoán views này chắc là của các bạn du học sinh. Bởi thế, tôi quyết định dành entry này cho các bạn, những người giống như tôi, may mắn có cơ hội được sinh sống và học tập trong môi trường nước ngoài, dù ở đâu chăng nữa, cũng có rất nhiều điều để học hỏi và dạy chúng ta nên người.
Số là trước đây tôi có tham gia một vài buổi họp mặt của tổ chức US Alumni – Hội Cựu Du học sinh Mỹ để chia sẻ một số kinh nghiệm về tái hòa nhập vào môi trường làm việc tại Việt Nam sau khi du học nước ngoài. Chữ “tái hòa nhập” nghe không hay cho lắm, nghe giống như mấy anh cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng nhưng quả thật chưa kiếm ra được từ khác tốt hơn để thay thế. Nôm na sau một thời gian sinh sống, học tập trong môi trường hoàn toàn khác, bạn cần chút điều chỉnh để hòa nhập với môi trường quê nhà một cách tốt nhất, cho bản thân và cho cả công việc.
Băn khoăn chung của tất cả những du học sinh là sau khi tốt nghiệp nước ngoài, quay trở về Việt nam làm việc thì sẽ gặp phải những thử thách gì, làm thế nào vận dụng hết những gì đã học để mang lại thành công?
Để có câu trả lời chính xác thật là khó bởi nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, ý chí, năng lực của mỗi người. Tôi chỉ xin chia sẻ vài quan sát, đúc kết sau 3 năm “tái hòa nhập” vào môi trường Việt Nam, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, kết bạn với nhiều thành phần xã hội do đặc thù nghề nghiệp. Không dám chắc những điều này hoàn toàn đúng với tất cả và giúp bạn thành công, nhưng tôi tin nó sẽ giúp bạn hạn chế thất bại. Tôi cũng xin nhấn mạnh: những đúc kết này hoàn toàn áp dụng đối với mọi trường hợp, chứ không chỉ riêng những ai quay về từ môi trường nước ngoài.
lưu ý: chữ ‘bạn” trong tất cả những câu sau đây ám chỉ người đã từng học tập, sinh sống, làm việc ở nước ngoài.
1. Giao tiếp: kỹ năng ngoại ngữ và những lầm tưởng.
Aha. Theo lẽ thường tình, tất cả các bạn đều sẽ giao tiếp rất tốt ngoại ngữ sau một thời gian dài sống cùng người bản xứ (dù rằng không phải ai cũng vậy). Đây là lợi thế vô cùng to lớn khi xin việc tại Việt Nam. Điều này không có gì phải bàn cãi. Lương cũng sẽ cao hơn. Nhưng bạn sẽ thành công với công việc mới? Chưa chắc. Rất nhiều người tôi biết đã gặp khó khăn thật sự trong công viêc bởi một lý do nghe rất oái ăm “Mình không thể giao tiếp tốt bằng tiếng Việt!. Rất nhiều bạn ở nước ngoài một thời gian dài, chỉ giao tiếp bằng ngoại ngữ, ít giao du với người Việt nam thì việc không thể trình bày, thể hiện lưu loát bằng tiếng việt là điều dễ hiểu. Nhiều bạn có trình độ ngoài ngữ siêu việt, làm cho công ty nước ngoài, báo cáo với sếp nước ngoài nên ít chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng tiếng việt. Xin hãy nhớ, bạn sẽ làm việc tại Việt Nam, đồng nghiệp của bạn, cấp dưới của bạn sẽ luôn có người Việt Nam; sản phẩm dịch vụ của công ty bạn sẽ phục vụ đa số người Việt nam…Bạn không thể chỉ giỏi giao tiếp bằng ngoại ngữ!!!! Một người bạn của tôi hoàn toàn gây ấn tượng mạnh với sếp ngoại khi giao tiếp tiếng ANh như người bản xứ cho đến khi buộc phải thuyết trình một bài powerpoint bằng tiếng Việt cho khách hàng. Chính bạn ấy cũng không ngờ mình lại gặp khó khăn nhiều như vậy. Nếu không rèn luyện, bạn sẽ rất khó diễn đạt lưu loát, dễ hiểu bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Đó là thử thách đối với chính những sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam, huống chi là với những ai đã một thời gian dài không sử dụng tiếng Việt như bạn. Nếu bạn đã từng xin việc bên nước ngoài chắc sẽ còn nhớ, 100% yêu cầu đầu tiên đối với ứng viên là Communication Skill. Đúng vậy, tất cả cuối cùng đều quay lại vấn đề giao tiếp. Mà khi quay về Việt Nam, nếu bạn chỉ giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ thôi thì đúng là chỉ đáp ứng 50%. Tôi không phủ nhận vẫn có những bạn về đây làm một công việc mà sử dụng ngoại ngữ nhiều hơn tiếng Việt. Nhưng trường hợp đó rất ít. Cho nên tóm lại, nếu muốn tăng khả năng thành công, hãy chú trọng hơn nữa đến việc giao tiếp lưu loát bằng tiếng Việt bạn nhé. Nghe thật trớ trêu, bạn sẽ nghĩ “mình là người Việt mà lo gì”. Không đâu, đừng xem thường. Khi rơi vào hoàn cảnh bạn sẽ hiểu.
2. Mối quan hệ: Bạn đã tận dụng hết chưa?
Điều này tôi đã đề cập đâu đó trong các entry trước. Networking, networking, networking. Các bạn học ở Mỹ sẽ rất hiểu điều này bởi đây là điều mà các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp bên đó rất hay nhấn mạnh. Tất cả chúng ta đều hiểu rõ mối quan hệ sẽ có lợi thế nào đối với sự nghiệp của mình. Tiếng bình dân gọi là “có quen biết”. Nhưng bạn đã thật sự tận dụng hết lợi thế quen biết của mình chưa? Rất nhiều bạn sau đi tốt nghiệp nước ngoài, dày dặn kinh nghiệm và bản lĩnh…nên thường có xu hướng “ta sẽ đứng trên đôi chân của mình”, “ta sẽ làm được” Điều đó rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu bạn có lợi thế mà không tận dụng thì e rằng chưa thật sáng suốt lắm. Phần lớn du học sinh đều có gia đình khá giả, và rất nhiều trong số đó là chủ doanh nghiệp. Nhưng không phải ai cũng đã tận dụng hết lợi thế từ doanh nghiệp của chính gia đình mình. Nhiều bạn loay hoay mở doanh nghiệp, lập công ty…trong khi ít nghĩ đến việc nối nghiệp cha mẹ, đi theo ngành kinh doanh truyền thống của gia đình. Chưa kể những mối quan hệ làm ăn của chính bố mẹ cũng chưa được bạn chú trọng đúng mức. Tôi biết một bạn học rất giỏi, tốt nghiệp trường Top về kinh doanh của Mỹ, từng thực tâp ở nhiều tập đoàn lớn của thế giới nhưng khi về Việt Nam thì tham gia vào công ty gia đình. Dù quy mô nhỏ nhưng đó là cả cơ nghiệp của gia đình, và cần một thế hệ kế nhiệm được đào tạo bài bản, có khả năng đưa công ty vươn lên tầm cao mới. Mới đầu gặp bạn ấy tôi nghĩ “Sao uổng thế? Cỡ bạn ấy dư sức vào tập đoàn tài chính quốc tế, lương vài ngàn đô, hơi đâu lại loay hoay với mảng phân phối sản phẩm điện của công ty gia đình? Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi tin chính công việc đó sẽ mang lại cho bạn ấy nhiều bài học hơn và sẽ giúp ích rất nhiều cho con đường sự nghiệp sau này. Nói tóm lại, bạn không nhất thiết phải nối nghiệp gia đình, nhưng hãy tận dụng triệt để hơn các mối quan hệ của bố, mẹ, cô chú bác, họ hàng…Đừng xem thường nhé, nhiều khi một người cô, người chú, người bác lâu ngày không gặp lại có thể quen một ai đó “vĩ đại”. Đừng vì tâm lý “tôi không muốn ỷ lại” mà đánh mất nhiều cơ hội tốt. Thế giới này không ai thành công một mình. Tất cả tài năng đều cần có một bệ phóng, một cơ hội để khẳng định mình. Đừng ngại sự giúp đỡ của người thân, họ hàng bạn nhé.
3. Lương bổng và cơ hội thăng tiến
E hèm. Một chủ đề rất thực tế, rất nhạy cảm, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định làm việc tại Việt Nam của bạn. Nói sao đây nhỉ. Ai chả thích lương cao. Nhưng bao nhiêu là đủ? 500, 700, 1000, 2000USD/1 tháng? Nhiều hay ít suy cho cùng vẫn là do nhận thức và cách tiêu xài của mỗi người. 500 USD mà xài ít thì vẫn thấy nhiều, 2000USD xài nhiều thì vẫn thấy ít. Đơn giản vậy thôi. Một sự thật là, các bạn hãy biết chấp nhận lương khởi điểm sẽ rất thấp và không như kỳ vọng. Nhưng ngược lại, quy trình thăng tiến, cơ hội thì vô cùng. Do việc thiếu hụt nhân lực, các công ty sẵn sàng bổ nhiệm, cất nhắc các bạn rất nhanh nếu bạn chứng minh được năng lực thật sự. Một quy trình từ nhân viên mới vào đến vị trí Phó Giám Đốc ở nước ngoài có thể mất cả chục năm, nhưng ở VIệt Nam đôi khi mất vài tháng!! Hãy cân nhắc và chọn lựa nơi làm việc dựa trên tiềm năng phát triển tương lai, chứ đừng quá câu nệ mức lương khởi điểm bạn nhé. Tất nhiên là không thể thấp quá. Nhưng nếu cơ hội thăng tiến có thể bù trừ được thì tại sao không? Xin lỗi nói thật, với hoàn cảnh gia đình một số bạn du học sinh, bạn hoàn toàn có thể “cầm cự được” với mức lương thấp một thời gian để hướng đến một cơ hội lớn hơn. Nếu sống chung với gia đình thì không tốn tiền nhà, không tốn tiền parking, tiền credit card, không phải trả bill điện nước hàng tháng, tiền chợ, tiền giặt đồ…Bạn vẫn có thể chấp nhận mức lương thấp nếu đó là một công việc mà bạn tin rằng sẽ mang lại nhiều tương lai. Nói tóm lại, ý tôi ở đây là thay vì đau đầu quyết định xem làm chỗ này hay chỗ kia, lương bên nào tốt hơn, việc này tốt nhưng lương thấp quá…bạn hãy gạt bỏ chữ “Lương” ra khỏi đầu một chút và suy nghĩ nhiều hơn vào công việc mà bạn thật sư muốn làm, con đường sự nghiệp mà bạn thật sự hướng đến…Nếu đó là một công việc mà bạn tin rằng mọi thứ đều tuyệt vời chỉ trừ mức lương..Hãy thử nó xem sao. Biết đâu bạn sẽ thành công trong tương lai? Thay vì suy nghĩ kiếm việc nào lương cao, hãy suy nghĩ nhiều hơn vào công việc bạn thật sư muốn theo đuổi nhé. Hoàn cảnh của một người có điều kiện đi học nước ngoài sẽ cho phép bạn có thể “tạm thời” quên chuyện “cơm áo gạo tiền”, “mưu sinh” để tập trung vào những thứ lớn và vĩ đại hơn… Nghe có vẻ “lý tưởng hóa” và thiếu thực tế nhưng nếu bạn thực tế quá mà đánh mất đi những cơ hội “lý tưởng” thì cũng đáng tiếc…
4. Khởi nghiệp
Rất nhiều bạn khi quay về sẽ có ý định khởi nghiệp, thành lập công ty bởi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vốn liếng từ môi trường nước ngoài. Nếu bạn thật sự có ý định đó thì tôi tin bạn cũng đã tìm hiểu rất nhiều từ các lời khuyên của những người đi trước. Tôi chỉ xin chia sẻ một điều, ở Việt Nam bạn không cần phải tạo ra cái gì hoàn toàn mới, chỉ cần hoàn thiện những cái đã có một cách hoàn hảo nhất cũng là đã quá đủ bạn ạ. Quan trọng là bạn có quyết tâm theo nó đến cùng không thôi. Tin tôi đi, tiền bạc vốn liếng xoay chỗ này chỗ kia..kiểu gì cũng xong…cái còn lại là ý chí thực hiện nó đến cùng không thôi. Nếu hiện tại bạn đang ở nước ngoài và dự định về Việt Nam trong thời gian tới để khởi nghiệp? Hãy quan sát thật kỹ những mô hình,sản phẩm dịch vụ bên đó xem có thể mang về VIệt Nam không nhé. Bạn có lợi thế rất lớn so với các bạn ở đây khi được tận mắt trải nghiệm, tìm hiểu về những thứ mà Việt Nam chưa có. Hai mô hình nước ngoài hiện nay giúp ông chủ hốt bạc là cà phê to-go kiểu starbucks và cửa hàng tiện ích kiểu 7-11. Những người muốn khởi nghiệp ở VIệt Nam thì đang vắt óc tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, dò la sách báo internet để xem có thể kinh doanh sản phẩm dịch vụ gì mới, làm thế nào để sang nước ngoài để tìm hiểu, nhập mô hình mới về đây…Bạn còn chần chờ gì nữa, hãy quan sát xung quanh mình nhé!
5. Lời cuối cùng, tôi xin mượn một câu nói củ rích của Cố Tổng Thống Mỹ J.F.Kennedy để nhắn nhủ với các bạn. Lại một câu “lý tưởng hóa” nhưng quả thật không còn cách nào khác để diễn tả ý này. Tôi là một người sống thực tế nhưng luôn có suy nghĩ “lý tưởng”, bởi tôi nghĩ, chỉ có “lý tưởng hóa” mới có thể giúp chúng ta cải thiện một thực tế còn nhiều khiếm khuyết, chưa hoàn hảo. Nếu các bạn muốn quay về Việt Nam làm việc, sinh sống và luôn băn khoăn liệu tương lai mình sẽ ra sao? Xin “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay?”…
Chúc tất cả may mắn!
Anh Khánh ơi … Em Nguyễn Hà Quân đây… Xin “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay?”…Câu nay là của tổng thống Mỹ Kennedy anh Khánh.
LikeLike
Uhm đúng rồi thanks Quân nhé. Anh cũng nhớ mang máng là vậy. Để sửa lại. 🙂
LikeLike
Bài viết hay quá, cảm ơn anh Khánh nhiều. Những cái view từ Japan, em xin nhận, có 1 phần của em trong đó,hihi. Thú thực lần đầu em biết đến blog của anh là do …google, và cũng chỉ mang máng biết anh là du học sinh ở Mỹ, hiện đang sống ở SG, chứ ko biết anh là người nổi tiếng đến thế,hihi.
Cảm ơn anh lần nữa, về những chia sẻ chân thành của lớp đàn anh-những người đã đi-đã học-và đã trở về, gửi đến lứa đàn em. Em sẽ quay lại đây, đọc lại bài viết này nhiều lần nữa, để ngẫm nghĩ và rút kinh nghiệm cho bước đường tươi lai ạ. Em là sinh viên sắp tốt nghiệp và cũng băn khoăn chuyện “ở lại-đi về?” muôn thủa anh ạ ( T T).
LikeLike