Ảnh: http://goo.gl/XaBJKI
Các bạn du học sinh quay về Việt Nam thường băn khoăn trăn trở về môi trường làm việc, chế độ lương bổng, cơ hội thăng tiến sự nghiệp… Để giải quyết tất cả những vấn đề đó, nhiều bạn chọn hướng đi khởi nghiệp, tự mình làm chủ, hiện thực hoá giấc mơ ấp ủ bấy lâu. Tất nhiên, khởi nghiệp là con đường chông gai và nó không dành cho tất cả mọi người. Tuy vậy, nếu bạn là du học sinh, dự định sẽ về Vn sau khi tốt nghiệp và bạn vẫn chưa xác định rõ ràng con đường sự nghiệp của mình, hãy thử xem xét việc khởi nghiệp bởi bạn có những lợi thế mà nhiều người bình thường không có được. Và đây là những lý do:
1. Bạn có nhiều cơ hội tiếp cận những cái mới:
Sinh sống trong môi trường của các nước phát triển giúp bạn tiếp cận được những sản phẩm dịch vụ mà Việt Nam chưa có. Và đó là nguồn gốc của ý tưởng. Với sự tăng trưởng dân số, nhu cầu tiêu dùng, thu nhập của tầng lớp trung lưu, sự phát triển của công nghệ…trước sau gì thì Việt Nam cũng cần đến những sản phẩm, dịch vụ như thế. Có thể kể vài startup của Việt Nam ở các lĩnh vực trong ngoặc vốn đã phát triển ở nước ngoài: tiki.vn, vatgia, lola (thương mại điện tử), shop &go, CircleK (cửa hàng tiện ích), hanhtrinhdelta.edu.vn, happyclick (giáo dục trực tuyến), nhommua, cungmua (mua theo nhóm), Startup Coffee, Passio, Urban Station (mô hình cà phê chuỗi), ELI, First Academy (cung cấp chương trình giáo dục STEM cho trẻ em), Chewy Junior (bánh xu từ Singapore), Help (bác sĩ gia đình), Vuvuzela (quán bia kiểu cao bồi Mỹ), Istart (dạy kỹ năng), SaigonHub (mô hình chia sẻ văn phòng khởi nghiệp), Fuzel (ứng dụng hình ảnh), Triip (kết nối khách du lịch với hướng dẫn viên tình nguyện), Ivivu (đặt phòng khách sạn).. Hãy tiếp tục khám phá những sản phẩm mới lạ, độc đáo ở thị trường quốc tế và thử tìm hiểu nhu cầu của nó ở Việt Nam. Đôi khi chỉ cần là người tiên phong thì xác suất thành công của bạn khá cao.
2. Bạn có thế mạnh về vốn
Nhiều du học sinh xuất thân từ gia đình khá giả, có điều kiện về tài chính nên nguồn vốn ban đầu để khởi nghiệp có thể sẽ không thành vấn đề. Thậm chí với mối quan hệ của gia đình, bạn vẫn có thể kêu gọi được nhiều sự hỗ trợ tốt. Nói thế không phải để bạn chủ quan, ném tiền qua cửa sổ, mạo hiểm vô lý với số tiền của người thân, bạn bè. Nhưng chí ít, bạn không có nỗi lo mưu sinh cơm gáo gạo tiền như nhiều người khởi nghiệp khác. Nếu thất bại hoặc nghiệm ra khởi nghiệp không dành cho mình, bạn sẽ không phải bắt đầu lại từ con số 0. Với tâm lý “tiền bạc là chuyện nhỏ” đó, bạn có quyền điên rồ một chút về ý tưởng của mình. Biết đâu nó sẽ thay đổi thế giới, hoặc chí ít là thay đổi quê hương của mình.
3. Không những vốn mà còn là thế lực, mối quan hệ
Nhiều bạn không chỉ xuất thân từ gia đình khá giả, mạnh về tài chính mà còn có thế lực, quan hệ rất lớn (bao gồm cả chính trị) Và ở Việt Nam, điều đó sẽ giúp bạn rất nhiều. Cũng như điều số 2, nó sẽ giúp bạn bỏ qua nhiều rắc rối, đau đầu, những chuyện vô cùng phức tạp về quan hệ mà người khác thường gặp, để tập trung vào ý tưởng lớn.
4. Bạn có thế mạnh tiếng Anh:
Điều này không có gì bàn cãi. Tốt nghiệp nước ngoài về, chưa chắc bạn nói tiếng Anh tốt (sorry, đây là sự thật) nhưng bạn sẽ nghe và đọc tốt hơn nhiều so với nhiều bạn trong nước (ít nhất là hiểu nhanh hơn). Nó sẽ giúp bạn nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật thông tin về kinh doanh, khởi nghiệp tốt hơn. Tài liệu có chất lượng về kinh doanh, khởi nghiệp bằng tiếng Việt còn hạn chế. Nếu có tiếng Anh, lợi thế bạn nhân đôi. Chưa kể, ngoại ngữ có thể giúp bạn pitch và gọi vốn tốt hơn trước nhà đầu tư nước ngoài.
Tóm lại, như đã nói ở trên, không phải ai cũng có thể khởi nghiệp thành công, nhưng nếu bạn là du học sinh, phần lớn các bạn sẽ sở hữu 4 thế mạnh trên mà nhiều người khác không có được. Hãy tận dụng nó triệt để khi khởi nghiệp. Tôi đã từng phỏng vấn nhiều sáng lập viên của các startup trong ví dụ ở điều 1. Và 90% số đó đã từng học ở nước ngoài. Tôi tin rằng đó không chỉ là sự tình cờ.
p.s: Bạn nghĩ mình còn thế mạnh gì nữa mà tôi chưa đề cập?