Chắc các bạn cũng đã từng nghe đại loại là: muốn giỏi nói tiếng Anh thì phải tự tin, không ngại xấu hổ, phải luyện tập thường xuyên, phải tập nghe nói với người bản xứ, phải xem, nghe, đọc nhiều sách báo, phim ảnh, show truyền hình… Đúng hết không có gì sai. Nhưng chưa đủ. Ngoài trừ trường hợp bạn thật sự yêu thích môn tiếng Anh, còn không nếu bạn làm hết mấy thứ đó rồi mà thấy vẫn không cải thiện, vẫn tốn tiền học cho trung tâm, vẫn cứ làng nhàng…thì biết tại sao không? Vì bạn chưa lâm vào tình trạng “buộc phải giỏi”. Khi bạn buộc phải giỏi, buộc phải cải thiện thì tự động bạn sẽ có động lực để tìm tòi, khám phá, chạy vạy hết cách này cách kia để giỏi. Kinh nghiệm quan sát cho thấy, với bản tính trì hoãn và kỷ luật bản thân thấp như ở Việt Nam, thì muốn giỏi, muốn tiến bộ cái gì đó chỉ xảy ra trong trường hợp người ta không còn lựa chọn nào khác, buộc phải như thế, nước đến chân thì buộc phải nhảy!
Bạn không tin hả? Lấy ví dụ trường hợp của tớ nhé. Hồi phổ thông tớ mất căn bản trầm trọng vì ghét tiếng Anh và không bao giờ đi học thêm Anh Văn ở ngoài trong suốt cấp 2 và 3 (Vì ghét mà!). Thế nhưng đến khi vào đại học tớ lại muốn đi du học. Ôi hoàn cảnh thật trái ngang! Chẳng còn cách nào khác, tớ buộc phải học ngày học đêm, học vẹt để thi TOEFL, học chạy chỉ tiêu, học cấp tốc, học như chưa bao giờ được học (mà đúng là như vậy) chỉ để có thể thích nghi được với môi trường giáo dục nước ngoài. Nhưng vì mất căn bản nên lúc mới sang Mỹ là ác mộng. Chuyện dài kể ngắn lại, tớ phải mất rất rất rất nhiều thời gian và công sức để thích nghi và tiến bộ vì không còn cách nào khác. Buộc phải tiến bộ.
Chính vì vậy, nếu bạn chưa giỏi và hoài vẫn không thấy tiến bộ thì có thể là do bạn chưa bị buộc phải như vậy. Mà tớ nói này bạn đừng bất ngờ, nếu thật sự không “buộc phải giỏi tiếng Anh” thì thôi bỏ ý định đi. Bạn học hoài cũng không giỏi được đâu. Bạn học chỉ vì cái ý nghĩ “Mình phải giỏi vì nghe mọi người, nghe bố mẹ, nghe thầy cô, nghe phương tiện truyền thông nói rằng tiếng Anh rất quan trọng, muốn lương cao phải giỏi tiếng Anh, giỏi tiếng Anh để mở mang kiến thức, để đất nước hội nhập, để phát biểu tại diễn đàn kinh tế thế giới, để sang nước ngoài cứu trợ động đất, để dịch cho ngôi sao điện ảnh quốc tế khi đến Việt Nam…”. Tất cả chỉ là những cái lý do chung chung của xã hội về sự cần thiết của tiếng Anh chứ chưa hẳn liên quan trực tiếp đến bản thân bạn.
Bạn chỉ rơi vào tình trạng “buộc phải giỏi” khi có mục đích và mục tiêu rõ ràng.
Ví dụ: mục đích là giỏi để đi du học, để xin được job ở một tập đoàn nước ngoài X, Y, Z nào đó, để thăng tiến lên làm sếp của mấy thằng Tây, hoặc kết bạn ngoại quốc, hoặc đi du lịch, hoặc tham gia một cuộc thi hùng biện, …. Mục tiêu cụ thể là trong năm nay phải nộp đơn, phải đạt TOEFL 600 Điểm, phải sẵn sàng để trả lời phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh, trong một tháng phải tiếp xúc và trò chuyện được với nhiều chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực mình yêu thích, mỗi tháng phải thay một cô bồ ngoại quốc mới, năm nay phải dịch được một quyển sách… ví dụ vậy. Hoặc những mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực chuyên môn của bạn, hoặc những lý do riêng của cuộc sống buộc phải sử dụng tiếng Anh….
Nếu thật sự hổng có mục đích và mục tiêu rõ ràng, hổng có cái tình trạng “buộc phải giỏi” thì thôi, tớ thấy bạn đừng có tốn thời gian ngồi than vãn và tốn tiền vô ích vào mấy trung tâm ngoại ngữ nữa. Có nhiều Trung tâm học phí mắc dã man mà tất cả gì họ mang lại cho bạn là cái máy tính và phần mềm để bạn tự học. Ôi thật là mô hình kinh doanh tuyệt vời. Bạn thì chẳng có động lực học còn họ thì cứ thu tiền đều đều. Còn nếu đi học trực tiếp thì bạn cũng chẳng có động lực giao tiếp với bạn bè, với thầy cô, luyện tập thêm các kiểu… vì đơn giản là bạn có thể chưa cần phải giỏi tiếng Anh và chưa buộc phải giỏi tiếng Anh!
Nếu bạn thuộc thiểu số những người có thể xác định được rõ ràng những mục đích và mục tiêu trong cuộc đời từ lúc còn trẻ thì không có gì để nói. Còn nếu bạn thuộc đa số như tớ thì yên tâm, cứ để dòng đời đưa đẩy.
Trong khi chờ đợi, hãy tập trung trở thành bậc thầy trong giao tiếp tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ê đừng cười, mình là người Việt thì chưa hẳn là mình là bậc thầy về giao tiếp tiếng Việt nhé. Trong cuộc sống, trong công việc luôn cần kỹ năng giao tiếp giỏi, kỹ năng trình bày, kể chuyện, thuyết phục người khác bằng tiếng mẹ đẻ. Hãy giỏi cái đó trước đi nếu chưa cảm thấy cần đến tiếng Anh. Mà nói nghe, nếu bạn là người Việt mà giao tiếp tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt thì người ta cũng chẳng nể bạn đâu. Kỳ cục lắm. Nếu bạn còn sống và làm việc ở Việt Nam!
Tớ tin rằng, nếu bạn giỏi giao tiếp, quan hệ xã hội bằng tiếng mẹ đẻ của mình, bạn sẽ vẫn có những cơ hội rất tốt trong cuộc sống, trong công việc. Và có thể những cơ hội đó sẽ dẫn bạn đến việc “buộc phải giỏi tiếng Anh”. Ví dụ: bạn là nhân viên cực kỳ xuất sắc của Hội Chữ Thập Đỏ nhưng dốt tiếng Anh, đùng một cái sếp cử bạn sang thực tập sang London chăm sóc cầu thủ tại giải Ngoại hạng chẳng hạn. Nếu làm tốt khi về cho thăng chức thì bạn buộc phải giỏi thôi!
Vậy nhé, khi đã “buộc phải giỏi” rồi thì tự bạn sẽ tự biết phải làm gì, chẳng cần phải đọc status chém gió của tớ đâu. Khi dồn vào chân tường thì buộc phải leo lên, khi chèn ép quá sẽ có cuộc cách mạng, khi khó quá thì ló cái khôn. Ông bà ta bao đời vậy rồi. Không có gì phải xoắn!
p.s: tớ từ một đứa mất căn bản nghe nói tiếng Anh năm Đại học cho đến bây giờ làm cái việc kiếm cơm là MC/phiên dịch tiếng Anh là cũng phải trải qua nhiều cái “buộc” như thế bạn ạ.