Hội chứng Anti-China 


Trong một môi trường nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn, tôi cố gắng luôn rạch ròi. Bởi nếu ko rạch ròi sẽ càng dễ mất tiềm tin mà không khéo lại tự mình hại mình trước bằng những nhận định thiếu hiểu biết và hạn hẹp của cá nhân.
Tôi phản đối chính sách cường quyền, ỷ mạnh hiếp yếu của những người đứng đầu Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển đảo, nhưng tôi không ghét người dân Trung Quốc.
Tôi dị ứng với những khách du lịch Trung Quốc xấu tính, hay gây ồn ào, chen lấn vô tội vạ, kém vệ sinh…nhưng họ cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong hơn 1 tỷ người Trung Quốc. Ko rõ khách du lịch Trung Quốc đến những nước phát triển thì họ có xấu tính hay không, nhưng dù gì thì họ cũng chỉ là một bộ phận nhỏ của người Trung Quốc.
Nếu là một doanh nhân thức thời, tâm lý bài xích Trung Quốc cực đoan có thể sẽ lợi bất cập hại? Trung Quốc là một thị trường cực lớn mà ta chưa thật sự khai thác hiệu quả. Cách kinh doanh của người Hoa cũng có quá nhiều điều đáng học hỏi và áp dụng được tại môi trường Việt Nam. Rất nhiều chủ doanh nghiệp lớn tại Việt Nam mang gốc Hoa. Nói theo tinh thần của khối EU, liệu mối quan hệ làm ăn thương mại mà càng khắng khít chặt chẽ thì càng làm giảm nguy cơ xung đột giữa hai quốc gia? Nếu thế thì chúng ta phải giao thương chặt chẽ hơn để tìm cách win-win.
Tôi rất muốn học tiếng Hoa bởi ngôn ngữ là cách rất tốt để tiếp cận một nền văn hoá, để thấu hiểu một con người. Nếu biết ngôn ngữ, ta hoàn toàn có truyền tải thông điệp trực tiếp đến họ trong kỷ nguyên của mạng xã hội này.
Do đó tôi không phản đối việc đưa tiếng Hoa vào giảng dạy trong trường học.
Dù đối phương là bạn hay là thù, việc thấu hiểu họ trực tiếp sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong mọi việc. Càng kém hiểu biết thì càng dễ có tâm lý lo sợ trước bất kỳ một thông tin gì đó. Bởi hầu hết những thông tin trên truyền thông ít nhiều đều có sự tác động của bàn tay chính trị.
Rõ ràng, trong cái thế giới đầy rộng lớn và phức tạp này, chả có ai là bạn hay thù mãi mãi, xét cho cùng cũng chỉ vì lợi ích đôi bên. Nếu muốn “thoát Trung” như cái cách người ta vẫn thường nói, thì phải hiểu Trung thật kỹ. Ko tự mình hiểu rõ, không thể có những nhận định độc lập thì mãi sẽ luôn mắc kẹt trong cái mớ thông tin hỗn độn của truyền thông trong nước và phương Tây, kèm theo những nhận định của những người được cho là “chuyên gia về Trung Quốc”.
Tâm lý “anti-China” một cách hời hợt, chủ quan sẽ chẳng giúp ta xây dựng một nền tảng sức mạnh vững chắc nào cả. Tự tin sẽ làm nên sức mạnh. Và sự tự tin chỉ được bồi đắp trên cơ sở của sự hiểu biết. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Bản thân ta còn chưa hiểu rõ về ta. Ta thật sự muốn gì? Mạnh gì yếu gì? Còn về người thì ta lại càng mù tịt. Kiểu đó thì nếu có ra trận chắc chưa đánh cũng đã thua.

Chính trị là một bàn cờ phức tạp, là những toan tính của một số ít. Và số ít đó sẽ không bao giờ tạo ra được một sức mạnh trường tồn như sức mạnh của số đông với tinh thần đoàn kết dân tộc. Một dân tộc dù nhỏ bé, nằm ở một vị trí địa lý phức tạp cách mấy cũng sẽ không bao giờ bị khuất phục nếu có trí tuệ, có những con người ưu tú, biết cách chơi với thế giới và tận dụng ưu thế cũng những kẻ mạnh. Israel đã chứng minh điều đó. Muốn đối phó với ông lớn phải thật hiểu ông lớn. Muốn giảm sự phụ thuộc vào ông lớn phải có sự độc lập trong suy nghĩ và nhận định. Và sự độc lập, khách quan đó không thể bắt nguồn từ chủ nghĩa bài xích cực đoan. Hoàn cảnh lịch sử là không thể thay đổi, nhưng tương lai ra sao sẽ phụ thuộc vào cách ứng xử của chúng ta trong mối quan hệ “đặc biệt” này. Chọn cái hay để học, hiểu rõ điểm yếu điểm mạnh của nhau là điều cần thiết.
Nhiều người Việt hay có tâm lý nhập nhằng giữa lý trí và cảm xúc. Và cái cảm xúc “bài Trung” ấy nó đang ít nhiều ảnh hưởng đến những nhận định lý trí khi nghe đến hai chữ Trung Quốc. Tôi thỉnh thoảng cũng vậy, và tôi đang cố gắng rạch ròi hai chuyện đó. Trung Quốc thật sự là quá “rộng lớn”, và còn quá nhiều điều cần phải tìm hiểu.

Leave a Reply